Bạc Liêu nằm trong vùng đất “Chín Rồng” đã trở thành nơi nuôi dưỡng những con người mộc mạc, phóng khoáng nhưng giàu nghĩa tình. Cái tình nghĩa vốn quý giá ấy càng đậm đà hơn khi những người Bạc Liêu xa xứ luôn nhớ đến và giúp đỡ những người còn khó khăn ở quê hương bằng tấm lòng của mình.
“Cho đi là còn mãi”
Tôi có duyên quen biết với chị Vũ Ngọc Hân - một kiều bào Việt Nam sống trên đất Mỹ trong chuyến làm công tác xã hội của cơ quan. Xa quê hương hơn 20 năm, “Bạc Liêu quê ngoại” luôn là cái duyên lớn trong cuộc đời chị Hân - người phụ nữ có gương mặt phúc hậu này. Có duyên, nên tình thương chan chứa!
Chị Vũ Ngọc Hân (thứ ba từ phải sang) trong lễ khánh thành cầu nông thôn ở huyện Đông Hải.
Mỗi khi thu xếp được công việc bên kia trời Tây, chị Hân lại trở về, rong ruổi thăm thú khắp mọi miền đất nước, trải tình thương đến những mảnh đời bất hạnh mà mình đi qua. Vốn theo đạo Phật, chị quan niệm: “Chị có thể phát tâm nhiều, không nghĩ đến bản thân vì giữa cuộc sống này, cho đi là còn mãi”.
Cái tâm ấy đã gieo duyên cho chị đến với các gia đình nghèo khó, người già neo đơn đêm đêm vẫn co ro trong căn nhà mưa tạt ở Bạc Liêu. Thế là hàng chục ngôi nhà kiên cố, những cây cầu bê-tông lần lượt được khánh thành. Kể sao cho hết nỗi vui mừng của những thôn xóm hàng chục năm ngóng đợi một cây cầu, những cụ già tóc bạc cả đời mong được ở trong căn nhà tường vào mỗi giấc mơ.
Có mặt tại buổi bàn giao nhà cho cụ Quách Văn Chiểu (phường Láng Tròn, TX. Giá Rai) mới hiểu ý nghĩa món quà này đối với đôi vợ chồng ở tuổi “gần đất xa trời”. Cụ Chiểu là hộ nghèo, không cục đất chọi chim, ngay cái chòi lụp xụp làm nơi che mưa nắng cũng là mượn tạm. Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Láng Tròn, kể lại: “Hôm tôi có chuyến công tác qua đây thì cụ Chiểu đang lụm cụm trước căn nhà rệu rã. Bước vào thăm, tôi nhói lòng khi thấy di ảnh con trai duy nhất của cụ vừa mất vì bệnh hiểm nghèo. Tôi chụp một số hình ảnh gửi cho chị Hân, chị không đắn đo mà ngỏ ý tặng ngay vợ chồng cụ ngôi nhà 35 triệu đồng”. Vậy là chỉ hơn một tháng, vợ chồng cụ Chiểu đã dọn vào ngôi nhà mới. Cụ ông rưng rưng, còn cụ bà thì ứa nước mắt và nói trong niềm hạnh phúc: “Mừng quá cô chú ơi! Từ trước đến nay tôi chỉ dám mơ thôi, chứ nào ngờ cuối đời lại có được căn nhà như vậy”.
Cách làm từ thiện của chị Hân khác với nhiều người tôi từng gặp. Ở bên kia châu lục, mỗi ngày chị vẫn điện thoại về Bạc Liêu để sắp xếp các chương trình từ thiện như tặng xe lăn, xe đạp, thăm bệnh nhân chạy thận, nấu cháo từ thiện tại bệnh viện, phát thức ăn cho người lao động nghèo trên đường… Hai người phụ trợ đắc lực giúp chị hoàn thành tâm nguyện là anh Nguyễn Lộc và em Trần Trường.
Vốn yêu thích công việc làm từ thiện nên hầu như mỗi ngày, anh Lộc và Trường đều có “kế hoạch” cho những chuyến đi nho nhỏ của mình. Khi mọi người còn ngủ say, Trường đã thức dậy chế biến những thực phẩm mua sẵn từ chiều hôm trước để có hàng trăm bọc cháo dinh dưỡng, cơm Dương châu, bánh ướt cấp phát cho bệnh nhân nghèo. Rồi mỗi khi lướt web, thấy người nào nghèo khổ, bệnh tật ở Bạc Liêu, chị Hân lại liên hệ để nhờ người đến thăm hỏi, chia sẻ. Người ta khổ chỗ nào, chị giúp chỗ đó, cẩn trọng nhưng hiệu quả. Giúp người nghèo có thể là chuyện ai cũng làm được, nhưng làm từ nghĩa cử của trái tim như chị Hân thì hiếm.
Nồng ấm tình người
Trước thềm Xuân Kỷ Hợi 2019, tôi bị cuốn hút bởi chương trình tặng gạo cho đồng bào Việt Nam của nhóm Tình Người. Chương trình được các tình nguyện viên của nhóm thực hiện từ các tỉnh Phú Yên, Kon Tum cho đến Bạc Liêu.
Vốn được thành lập từ những kiều bào Việt Nam đang sinh sống tại Hà Lan, nhóm Tình Người là người bạn đồng hành thường xuyên của Nhịp cầu nhân ái - Báo Bạc Liêu. Sống xa quê hương nhưng lúc nào họ cũng dõi mắt về quê, dõi theo từng mùa cơn gió thổi lạnh người già neo đơn, từng cơn lũ lụt đói kém của đồng bào miền Trung, từng cái Tết Trung thu, từng năm học mới của trẻ em nghèo miền Tây. Bằng tấm lòng của mình, nhóm đã giúp nhiều cảnh đời nghèo khó, bệnh tật, cưu mang nhiều học sinh nghèo Bạc Liêu đến trường.
Tình nguyện viên nhóm Tình Người chuẩn bị bữa cơm đón Giáng sinh cho người neo đơn, tâm thần tại Trung tâm Bảo trợ xã hội TP. Bạc Liêu. Ảnh: T.H
Chú Lý Thanh Sơn, em Trịnh Cẩm Loan (TX. Giá Rai) là các tình nguyện viên của nhóm Tình Người tại Bạc Liêu. Mỗi năm, các tình nguyện viên kêu gọi giúp đỡ cho nhiều cảnh đời nghèo khổ với số tiền hàng trăm triệu đồng. Vốn nhiều năm làm công tác chữ thập đỏ nên tình thương ông Sơn dành cho người nghèo có cái riêng của mình. Tính tình bộc trực, nói chuyện mau lẹ, nhưng cái tâm của ông Sơn mộc mạc, giúp người nghèo hết mình.
Nhớ có những đợt tựu trường, chính ông Sơn đã dắt hơn chục đứa bé mà nhóm giúp đỡ ra chợ mua giày dép, quần áo. Người đàn ông tuổi gần 60 này ngồi cả buổi ngoài chợ để tư vấn cho bọn con nít chọn màu, chọn kiểu món đồ mà chúng sẽ được tặng, kiên nhẫn đến thấy thương. Rồi khi đi tặng quà bánh Trung thu, ông không chọn cách gom cả trăm bé lại ở một sân khấu nào đó (như người ta vẫn làm) cho nhàn hạ, mà ông dành mấy ngày liền để chở bánh kẹo, lồng đèn đi khắp các xóm nghèo, các con hẻm nhỏ tặng từng đứa trẻ lem luốc.
Trong số người mà nhóm Tình Người giúp đỡ, có những người gần như khổ đến tận cùng. Đơn cử như hoàn cảnh của Dương Thị Huỳnh Dao (huyện Đông Hải) gia đình không chỉ nghèo, mà ở tuổi 27, người phụ nữ này đã sớm góa chồng, một mình bắt cá tép ven sông nuôi hai con nhỏ, cưu mang cha mẹ chồng mắc bệnh nan y. Xót xa trước hoàn cảnh của Dao, nhóm đã hỗ trợ gia đình hàng tháng một khoản tiền để vơi bớt gánh nặng cơm áo.
Anh Duy Phạm, người điều hành hoạt động của nhóm từ thiện Tình Người, chia sẻ: “Nhóm đã hoạt động được 4 năm. Nhóm có vài chục thành viên (trong đó có Bạc Liêu), mạnh thường quân, cộng tác viên. Họ vì cái tâm mà cùng nhau quyên góp giúp người nghèo khó ở quê hương”.
Nhóm có một số mạnh thường quân hàng năm thường mang những món quà làm vui cho các trẻ em nghèo, những trẻ em tàn tật như học bổng, máy trợ thính, kính cận… Có người còn dạy tiếng Anh cho trẻ em và dạy người mù đấm bóp, mát-xa... Có mạnh thường quân không phải là người Việt Nam nhưng từ những hoạt động, sự kết nối của nhóm, họ đã dành lòng yêu thương cho trẻ em Việt Nam.
Đã bước qua thời kỳ gian khó, Bạc Liêu ngày nay đang vươn mình phát triển về mọi mặt. Một trong những yếu tố làm nên sự đổi thay đó chính là con người. Bạc Liêu luôn là vùng đất được biết đến với những con người bản lĩnh, đôn hậu, trọng tình nghĩa. Ngay cả về sau này, Bạc Liêu vẫn sẽ là địa phương mến khách, con người thân thiện, nghĩa tình.
Xem toàn bộ bài viết tại đây: http://baobaclieu.vn/xuan-ky-hoi-2019/nghia-cu-cua-trai-tim-56999.html
Thông tin liên hệ
Công ty Quà Tặng Doanh Nghiệp SanGia VN
► Địa chỉ: 316 Lê Văn Sỹ, Phường 1, Quận Tân Bình, TPHCM
► Điện thoại: 0915 039 109 (Zalo)
► Email: Sales@Sangia.vn
► Website: https://www.sangia.vn
► Blog: http://congtyquatangdoanhnghiepsangia.eklablog.com/nghia-cu-cua-trai-tim-a197213802